Menu
Công khai chỉ trích Fed, Tổng thống Trump đe dọa sự độc lập của NHTW lớn nhất thế giới

Phá vỡ truyền thống 20 năm trong mối quan hệ giữa Fed và Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa vừa có động thái phá vỡ truyền thống của Nhà Trắng khi phê phán các đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Suốt 2 thập kỷ qua, Nhà Trắng luôn có truyền thống tránh bình luận về chính sách tiền tệ nhằm thể hiện thái độ tôn trọng sự độc lập của NHTW.

Trong 1 phát biểu trên kênh CNBC hôm qua (19/7), Tổng thống Trump nói: "Tôi không sợ hãi" rằng Fed đang khiến chi phí đi vay tăng lên và có thể làm nền kinh tế chậm lại.

"Cứ mỗi lần nền kinh tế đi lên là họ [Fed] lại muốn tăng lãi suất. Tôi không hài lòng với điều đó, nhưng tôi vẫn đang để họ làm những gì mà họ cảm thấy là tốt nhất", ông Trump nói.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức tháng 1/2017, Fed đã có 5 lần tăng lãi suất, trong đó có 2 lần của năm nay là dưới thời Chủ tịch Jerome Powell – người đã được ông chọn thay thế bà Janet Yellen.

Trong cuộc phỏng vấn này ông Trump vẫn khen ngợi cá nhân Chủ tịch Fed Powell là "người rất tốt" nhưng lại phàn nàn về Fed – vốn là 1 tổ chức công nhưng vẫn độc lập về chính trị bởi vì nguồn vốn hoạt động của Fed không chịu sự điều chỉnh của ủy ban phân bổ ngân sách.

Ông Powell đã được Tổng thống Trump đề cử và được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua với những lá phiếu ủng hộ từ cả 2 đảng. Nhiệm kỳ Chủ tịch Fed của ông sẽ kết thúc vào năm 2022.

Hầu hết NHTW của các nước đang phát triển đều được trao quyền độc lập trước các quyết định chính trị ở một mức độ nhất định. Mục đích là để chính sách tiền tệ không bị chi phối bởi những ý tưởng bất chợt của các chính trị gia. Tuy nhiên sự độc lập của NHTW ở các thị trường mới nổi thường thấp hơn, ví dụ như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thoải mái can thiệp vào chính sách tiền tệ.

Theo Peter Conti-Brown – nhà nghiên cứu về lịch sử Fed tại Wharton School (ĐH Pennsylvania), việc ông Trump bình luận về chính sách của Fed là một mối đe dọa với sự độc lập của tổ chức này và với cả bản thân Tổng thống. Giờ đây kể cả khi Fed tạm ngừng lịch trình tăng lãi suất vì những lý do kinh tế chính đáng, quyết định của Fed vẫn rất dễ bị gắn mác đã bị chính trị tác động. Nhiều người sẽ cho rằng Fed đang nhân nhượng 1 vị Tổng thống "hiếu chiến", ông nói.

Cách đây ít ngày ông Powell vừa có 1 bài phát biểu trước Quốc hội và ông đã nói với các nhà làm luật rằng "ở thời điểm hiện tại, tăng lãi suất từ từ chính là con đường tốt nhất". Fed dự định sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters cho biết Tổng thống vẫn "tôn trọng sự độc lập của Fed", quan điểm mà ông mới đưa ra về lãi suất "đã được nhiều người biết đến và bình luận của ông hôm nay chỉ là nhắc lại những quan điểm vẫn được duy trì lâu nay".

Những bình luận được ông Trump đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang có chuỗi tăng trưởng dài thứ hai trong lịch sử với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống gần mức thấp nhất 50 năm. Mặc dù Fed liên tiếp tăng lãi suất, lãi suất liên bang vẫn ở trong khoảng thấp lịch sử.

Hiện mức mục tiêu cho lãi suất cơ bản là 1,75% - 2%, nếu trừ đi lạm phát thì vẫn đang là lãi suất âm và có lợi cho tăng trưởng kinh tế cũng như cho người đi vay, theo thông báo tháng 6 của Fed.

Theo Goldman Sachs, thực tế là xét tổng quan thì điều kiện thị trường tài chính của nước Mỹ gần như không thay đổi kể từ khi ông Trump nhậm chức bất chấp Fed vẫn đang tiếp tục đi trên lộ trình tăng lãi suất.

Tính độc lập của Fed bị đe dọa

Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử Fed đối mặt với áp lực từ Tổng thống. Tuy nhiên 3 người tiền nhiệm của ông Trump là Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều tránh công khai bình luận về các chính sách của Fed. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Fed.

Tháng 12/1965, Tổng thống khi đó là Lyndon Johnson đã triệu tập Chủ tịch Fed William McChesney Martin đến căn nhà ở Stonewall, Texas để phàn nàn về quyết định tăng lãi suất của Fed. Tuy nhiên Martin vẫn giữ nguyên quyết định của mình.

Tài liệu được công bố sau này cũng cho thấy Tổng thống Nixon đã yêu cầu Arthur Burns để lãi suất ở mức thấp để tạo ra 1 nền kinh tế tốt đẹp trước cuộc bầu cử năm 1972. Khi Burns từ chối hợp tác, Nhà Trắng dựng lên 1 câu chuyện giả mạo trên báo chí rằng Burns đang đòi tăng lương. Cuối cùng Chủ tịch Fed đã nhượng bộ theo yêu cầu của Tổng thống nhưng đã góp phần gây nên tình trạng lạm phát đã nhấn chìm kinh tế Mỹ trong gần 1 thập kỷ.

Ví dụ gần nhất là khi George H. W. Bush đang nỗ lực tái đắc cử. Nhà Trắng đã bí mật tác động lên các quyết định về lãi suất của Alan Greenspan và công khai kêu gọi Fed hạ lãi suất vào tháng 6/1992. Trong giai đoạn từ năm 1991 đến 1992, Greenspan đã hạ lãi suất 13 lần nhưng những năm sau đó thì giảm dần cường độ.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

 

Tin liên quan