Nền kinh tế lớn nhì thế giới bắt đầu bộc lộ các dấu hiệu giảm tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Sản lượng công nghiệp tháng 11 chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái - chậm nhất trong gần 3 năm qua và thấp hơn dự báo trong khảo sát của Reuters (5,9%). Trong khi đó, doanh số bán lẻ chỉ tăng 8,1%, chậm nhất kể từ năm 2003 và cũng thấp hơn dự báo (8,8%). Tháng trước, tốc độ này là 8,6%.
Dù vậy, đầu tư vào tài sản cố định tăng 5,9% so với đầu năm, nhỉnh hơn dự báo (5,8%). Số liệu kinh tế của Trung Quốc đang được giới quan sát theo dõi sát sao, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lún sâu vào chiến tranh thương mại.
Dù vậy, số liệu tháng 11 vừa công bố cho thấy hoạt động này đang dần chậm lại, và áp lực suy giảm lên kinh tế Trung Quốc đang tăng lên, Sue Trinh - Giám đốc Chiến lược Ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets Hong Kong nhận xét. Số liệu công nghiệp và bán lẻ hôm nay khá "xấu xí", cô nhận định.Bất chấp căng thẳng với Mỹ, các số liệu từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế này vẫn tăng trưởng đáng ngạc nhiên trong phần lớn năm nay. Đặc biệt là sản xuất, khi các công ty tăng cường xuất khẩu sớm để né thuế từ Mỹ.
Cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết tác động từ căng thẳng thương mại với Mỹ vẫn chưa rõ rệt. "Vì vậy, điều tồi tệ nhất còn chưa xảy ra. Các nhà hoạch định chính sách sẽ rất lo lắng, đặc biệt khi tăng trưởng tiêu dùng giảm tốc nhanh", Trinh cho biết. Hồi quý III, GDP Trung Quốc cũng tăng chậm nhất gần 10 năm. Chỉ số sản xuất (PMI) của nước này tháng 10 còn xuống đáy 2 năm.
Bên lề Hội nghị G20 hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã cam kết không tăng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, từ 10% lên 25% đầu năm sau như dự định. Tuy nhiên, nếu hết ngày 1/3, hai nước không đạt được một thỏa thuận, việc nâng thuế sẽ được thực hiện.
Hà Thu (theo CNBC)