Menu
Nhà đầu tư chú ý: Giá dầu và cao su thiên nhiên đồng loạt bứt phá mạnh trong những ngày cuối năm

Sau khi tạo đáy quanh ngưỡng 30 USD/thùng vào đầu năm 2016, giá dầu Thế giới đã có sự phục hồi khá vững chắc trong vòng 2 năm qua. Dù vậy, giá dầu vẫn thường chỉ dao động quanh vùng 50 – 55 USD/thùng và chỉ thực sự bứt phá trong hơn 1 tháng trở lại đây.

Trong phiên giao dịch 26/12, giá dầu WTI đã bứt phá khá mạnh và có thời điểm lên sát ngưỡng 60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015 tới nay. Điều này có nguyên nhân từ việc nổ đường ống dẫn dầu tại Lybia.


Giá dầu WTI tăng vọt lên sát ngưỡng 60 USD/thùng

Giá dầu WTI tăng vọt lên sát ngưỡng 60 USD/thùng

Ngoài ra, giá dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây còn có nguyên nhân từ việc Nga và các nước OPEC đã đồng ý thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng dầu 1,8 triệu thùng/ngày đến hết năm 2018. Thỏa thuận này từng được đưa ra vào 1/1/2017 và là động lực giúp giá dầu duy trì ổn định trong năm vừa qua.

Bên cạnh yếu tố thỏa thuận cắt giảm sản lượng được gia hạn, giá dầu tăng mạnh trong 2 phiên gần đây còn đến từ phát biểu mới đây của Bộ trưởng dầu mỏ Iraq, ông Jabbar Al-Luaibi khi cho rằng giá dầu năm 2018 sẽ có triển vọng lạc quan bởi dự trữ toàn cầu sụt giảm, cũng như nhu cầu tại Trung Quốc, Ấn Độ gia tăng. Ông Jabbar Al-Luaibi cũng tỏ ra lạc quan và cho rằng giá dầu Thế giới trong quý 1/2018 sẽ tiếp tục giữ được sự cân bằng cung cầu.

GAS là một trong những cổ phiếu thuộc danh mục đầu tư của Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF). Trong 6 tháng cuối năm 2017, cổ phiếu GAS đã tăng mạnh từ ngưỡng ~55.000 đồng lên ngưỡng ~100.000 đồng/cp hiện tại đã giúp NAV của các công ty quản lý quỹ thuộc BVF tăng mạnh.

Ngoài ra, BVF đã đầu tư mạnh vào ngành cao su thiên nhiên như DRI và cổ phiếu này cũng đã có mức tăng trưởng khá tốt.

Mặc dù giá dầu tăng mạnh có thể dẫn tới việc sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng cao, từ đó gây áp lực cung mạnh, dẫn tới nhiều lo ngại về việc giá dầu khó có thể hồi phục ổn định. Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia thì hiện đang có một số trở ngại cho ngành công nghiệp đá phiến Mỹ, giúp sản lượng năm tới chỉ duy trì ở mức ổn định và khó có nguy cơ giá dầu sụt giảm.

Điều này được giải thích bởi các nhà khai thác dầu đá phiến tại Mỹ sẽ không có đủ số lượng giàn khoan, cũng như không đủ lao động vì ngành công nghiệp này đang quá “nóng”. Điều này có nghĩa rằng vấn đề làm thế nào để đưa được dầu đá phiến ra thị trường là bài toán không thực sự dễ dàng như nhiều người tưởng.

Diễn biến tích cực của giá dầu Thế giới sẽ tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí, cũng như cổ phiếu ngành dầu khí. Trong khoảng 1 tháng nay, cổ phiếu các doanh nghiệp dầu khí như GASPVDPVS, PVC, PVB, PXS, PVT…đã đồng loạt tăng mạnh nhờ kỳ vọng giá dầu phục hồi cũng như việc các doanh nghiệp lớn ngành dầu khí chuẩn bị IPO trong năm 2018.

Giá cao su phục hồi nhờ ITRC cắt giảm sản lượng

Cùng với sự phục hồi của giá dầu, giá các hàng hóa nguyên liệu cơ bản, tiêu biểu là cao su cũng phục hồi mạnh trong những phiên gần đây.

Trong phiên giao dịch 26/12, giá cao su trên sàn Tocom đã tăng 1,64% lên 211,3 JPY/kg, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua.


Giá cao su hồi phục sau chuỗi ngày giảm sâu

Giá cao su hồi phục sau chuỗi ngày giảm sâu

Việc giá cao su phục hồi bên cạnh yếu tố giá dầu còn đến từ việc ngày 22/12 vừa qua, Hội đồng Cao su Quốc tế 3 bên (ITRC) bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia chiếm 70% sản lượng cao su thiên nhiên Thế giới đã đồng ý giảm xuất khẩu 350.000 tấn từ bây giờ cho tới tháng 3 năm sau, nhằm giải quyết vấn đề giá cao su toàn cầu đi xuống. Năm ngoái, 3 quốc gia này đã thống nhất giảm 615.000 tấn cao su trong 6 tháng.

Thông tin giá cao su hồi phục sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp cao su thiên nhiên, có thể kể tới như HAG, PHR, DPR, TRC, DRI… Trong giai đoạn đầu năm 2017, nhóm cổ phiếu kể trên cũng “dậy sóng” vì giá cao su hồi phục mạnh.

Minh Anh

Theo Trí thức trẻ

Tin liên quan