Trung Quốc không muốn đấu với Mỹ trong một trận quyền anh, họ muốn thi điền kinh.
Ông Le Yucheng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa cho biết đại lục nên tập trung cải thiện đời sống người dân và đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế nói chung, thay vì theo đuổi mục tiêu trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.
Nhận định trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP trong năm 2021 đạt 8,1% - con số vượt lên trên mọi dự đoán trước đó và giúp Trung Quốc tiến gần hơn đến vị thế dẫn đầu của Mỹ sau khi GDP đạt 114,37 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 18 nghìn tỷ USD, cao nhất trong gần 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2021 cũng đạt tới 3,36 nghìn tỷ USD, cao nhất mọi thời đại.
"Mặc dù vượt Mỹ về tăng trưởng GDP nhưng chúng tôi không quan tâm đến điều đó. Đây không phải điều chúng tôi đang theo đuổi", ông Le chia sẻ trong một diễn đàn do Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang tổ chức.
"Đáp lại mong muốn của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn chính là điều mà Trung Quốc hướng tới".
Ông Le Yucheng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc
Trong năm 2021, Ngân hàng Thế giới ước tính GDP Mỹ chỉ tăng trưởng 5,6%. Điều này có nghĩa kinh tế Trung Quốc hiện đang ở mức 80% so với quy mô nền kinh tế đứng đầu thế giới. Một năm trước đó, tỷ lệ này chỉ ở mức 70%.
Tuy nhiên khi được hỏi liệu Trung Quốc có tham vọng trở thành siêu cường quốc tiếp theo hay không, ông Le khẳng định nước này không hề theo đuổi mục tiêu bá chủ toàn cầu.
Hiện căng thẳng Mỹ-Trung Quốc đang leo thang, bất chấp cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến mới đây giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai cường quốc vẫn đang bế tắc trong nhiều cuộc đàm phán thương mại.
"Trung Quốc và Mỹ không nên chơi một trận quyền anh. Thay vào đó, chúng ta nên chơi một cuộc thi điền kinh, tức giành chiến thắng bằng cách trở thành một quốc gia lớn mạnh hơn".
Hiện GDP bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc đã tăng lên 12.551 USD trong năm 2021. Con số này đang tiến sát ngưỡng thu nhập cao 12.696 USD do Ngân hàng Thế giới đặt ra hồi năm 2020.
Tuy nhiên, bất chấp mức tăng trưởng vượt dự đoán, Bắc Kinh vẫn cảnh giác cao độ với những "cơn gió ngược của nền kinh tế", bao gồm xu hướng già hoá dân số, suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và nợ xấu. Một số chuyên gia cảnh báo tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc có thể chậm lại 5-5,5% trong năm 2022.
Trước đó, Trung Quốc được kỳ vọng có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2030. Tuy nhiên, theo Yao Yang, trưởng khoa Phát triển quốc gia của Đại học Bắc Kinh, điều này có thể xảy ra sớm hơn dự kiến. "Trong năm 2049, GDP Trung Quốc thậm chí có thể cao gấp đôi Mỹ", ông Yao cho biết.
Theo: SCMP