Đồng bạc xanh trong ngày 13/4 đã tăng lên 126,32 JPY, mức cao chưa từng có kể từ tháng 6 năm 2002.
So với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt, chỉ số Dollar index (DXY) trong phiên này có lúc đạt 100,52, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020, lúc kết thúc ngày 13/4 theo giờ Việt Nam hạ nhiệt chút ít, nhưng vẫn ở trên ngưỡng 100, là 100,29. Tính từ đầu tháng đến nay, DXY đã tăng gần 3%, với đà này dự kiến sắp có tháng tăng giá mạnh nhất trong vòng 9 tháng.
Thống đốc BOJ, Haruhiko Kuroda, hôm thứ Tư (13/4) cho biết lạm phát gia tăng gần đây - do chi phí nhập khẩu tăng mạnh - có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của BOJ là giữ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng.
Trong bối cảnh JPY mất giá mạnh, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Hirokazu Matsuno, cho biết: "Chính phủ dự định theo dõi chặt chẽ các động thái trên thị trường ngoại hối, bao gồm cả những diễn biến gần đây về sự suy yếu của đồng Yên, và ảnh hưởng của điều đó đối với nền kinh tế Nhật Bản".
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Shunichi Suzuki, cho biết các động thái tiền tệ hiện đang "rất có vấn đề".
Dữ liệu cho thấy giá sản xuất tại Mỹ trong tháng 3 đã tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ lần đầu tiên tính toán dữ liệu 12 tháng, vào tháng 11 năm 2010, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách vào tháng tới.
"Nền kinh tế Mỹ độc lập và lạm phát đủ cao để Fed sẽ tiếp tục duy trì đường lối chính sách rất, rất ‘diều hâu’ và hành động theo đường lối đó. Điều ấy, dĩ nhiên, sẽ giúp cho đồng USD tiếp tục mạnh lên", Juan Perez, giám đốc giao dịch của Monex USA ở Washington.
Đồng USD tăng bất chấp dữ liệu lạm phát của Mỹ vừa công bố thấp hơn một chút so với dự kiến một phần cũng do Thống đốc của Fed, Lael Brainard, nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ vẫn đang tiến hành một loạt các đợt tăng lãi suất bất chấp một số dấu hiệu cho thấy giá cả đang hạ nhiệt.
Trong khi đó, đồng euro giảm xuống 1,0809 đô la, mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng, do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước khi Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) bắt đầu kỳ họp hàng tháng, vào thứ Năm (14/4).
Mặc dù thị trường không dự đoán ECB sẽ có bất kỳ sự thay đổi lãi suất nào, nhưng những người tham gia thị trường vẫn muốn xem thái độ Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, sẽ ‘diều hâu’ đến mức nào, liệu có thể sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay hay không? Thị trường hiện cho rằng lãi suất của ECB sẽ tăng 70 điểm cơ bản vào tháng 12 năm nay.
Tuy nhiên, đồng euro có thể sẽ vẫn bị ảnh hưởng do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn còn tiếp diễn. Cuộc xung đột này đã bước sang tháng thứ 2, đẩy giá xăng tăng mạnh, kéo theo giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu, bởi Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn đối với các mặt hàng bao gồm lúa mì và dầu hướng dương.
Đồng rúp Nga trong ngày 13/4 vững ở mức gần 80 RUB/USD trong bối cảnh chứng khoán nước này giảm điểm sau nhiều tuần giao dịch hỗn loạn.
Rúp Nga lúc kết thúc ngày 13/4 theo giờ Việt Nam giảm nhẹ, 0,3%, xuống 79,91 RUB/USD. Tuần trước đồng tiền này tăng giá lên 71 RUB, mức cao nhất kể từ ngày 11 tháng 11. So với euro, rúp cũng vững ở mức 86,29 RUB.
Natalia Orlova, nhà kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng Alfa cho biết: "Sẽ có một số giai đoạn đồng rúp Nga giao dịch rất bất ổn, dự kiến vào cuối năm nay", và cho biết thêm rừng mặc dù đồng tiền này có thể ổn định trong tháng tới, nhưng vẫn có rủi ro giảm trở lại.
Lạm phát ở Nga đã tăng lên 17,49% vào ngày 8 tháng 4 (so với cùng kỳ năm trước), mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2002, và tăng 16,70% so với một tuần trước đó, trong bối cảnh những biện pháp trừng phạt từ phương Tây khiến đồng rúp biến động và đẩy giá cả tăng vọt, thông tin từ Bộ Kinh tế nước này cho biết.
Giá hầu hết mọi thứ, từ rau quả, đường cho đến quần áo và điện thoại thông minh đã tăng mạnh trong những tuần gần đây. Ngân hàng trung ương nước này cảnh báo lạm phát tiêu dùng ở Nga sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Tiền tệ Châu Á nhìn chung tăng giá so với USD trong phiên vừa qua, điều chỉnh xu hướng sau phiên bán tháo trước đó.
Đồng won của Hàn Quốc phiên 13/4 tăng giá mạnh nhất trong số các đồng tiền khu vực, tăng 0,9% so với USD, trong khi đô la Đài Loan tăng 0,4%. Các loại tiền ringgit của Malaysia và peso của Philippines lần lượt ghi nhận mức tăng 0,1% và 0,2%; đô la Singapore và Rupiah của Indonesia nhìn chung không thay đổi so với phiên trước.
Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng tương đối ổn định trong phiên vừa qua, khi các nhà đầu tư lo lắng chờ đợi các biện pháp cụ thể để hỗ trợ nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 lan ra khắp toàn quốc.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa kết thúc phiên 13/4 tăng nhẹ 4 pip lên 6,3659 CNY.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitoin một lần nữa lại thể hiện khả năng biến động mạnh vượt khỏi các dự báo, khi giảm sâu xuống gần 39.000 USD trong phiên 13/4, sau đó tăng vọt lên trên 41.000 USD vào cuối ngày, lúc kết thúc ngày 13/4 theo giờ Việt Nam ở mức 41.036 USD.
Giá Bitcoin ngày 13/4.
Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng, phiên vừa qua đạt mức cao nhất 1 tháng do nhu cầu đối với "hàng rào" chống lại lạm phát tăng cao.
Giá vàng giao ngay trong ngày 13/4 có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 14 tháng 3, là 1.979,95 USD; vàng kỳ hạn tháng 6 cũng đạt 1.980,70 USD.
Edward Meir, một nhà phân tích của ED&F Man Capital Markets, cho biết thị trường vàng dường như "phớt lờ việc đồng đô la mạnh lên và Mỹ tăng lãi suất, dường như chỉ tập trung vào lạm phát".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Vũ Ngọc Diệp
Theo Nhịp sống kinh tế